Bánh hạt nhãn (bánh cà)
Sau vài tuần vắng bóng do chuyển nhà và đi chơi xa mình lại quay lại với blog thân yêu trước khi nó bị mốc. Bài viết này mình đã hứa hẹn post lâu rồi nhưng thực sự là vì những lý do không tên mà mình toàn thất hứa, xin lỗi cả nhà. Mong những bạn yêu quý đã chờ đợi bài viết này thông cảm cho mình nhé.
Bánh hạt nhãn (vùng mình gọi là hạt cà) thường được làm vào dịp Tết để làm quà vặt mời họ hàng bạn bè đến chúc Tết. Đáng ra mình nên viết vào dịp đấy cho hot nhưng đó là mùa ôn thi nên đành căn mùa hè nắng nóng tung ra bài này vậy.
Một số cảm nhận khi ăn thử một số loại bánh nhãn: Bánh nhãn làm bằng bột nếp và trứng gà là ngon nhất cũng như chất lượng nhất, vì bánh ăn rất bông xốp, nở to, cực kỳ thơm bùi mùi trứng gà. Nhưng đó là phiên bản mình làm cho những người yêu thương trong gia đình ăn. Một số loại bánh nhãn khác để tiết kiệm chi phí (do trứng gà ở Việt Nam cũng không rẻ lắm, bên mình loại trứng chăn thả trong công nghiệp cỡ 3k 1 quả, so với đồng lương bên này là quá rẻ bèo luôn), người ta thường bớt đi lượng trứng gà mà thay bằng nước, hoặc cho thêm bột nở để bánh nở và xốp, rồi cho 1 ít tinh dầu vani tạo mùi thơm. Một số loại bánh nhãn tự làm ăn khá cứng và có cảm giác như không nở, mình nghĩ do các bạn để lửa hơi to hoặc chiên hơi kỹ chăng???
Lưu ý về nhiệt: nhiệt cao quá bánh sẽ nhanh bị nứt (bung như bỏng ngô vậy, mình đã làm hỏng lần đầu tiên, được vị nhưng không được dáng). Khi đun dầu không nên vội vàng để lửa to ngay từ đầu mà bắt đầu đúng với nhiệt độ lửa khi chiên bánh, tức là đun nóng dầu từ từ ở lửa vừa và chiên bánh ở lửa như vậy luôn. Ngoài ra phải liên tục đảo bánh, làm từ từ cẩn thận ắt sẽ thành công 🙂
Dưới đây mình sẽ hướng dẫn cách làm tại nhà cho mọi người, tức là chỉ dùng 2 nguyên liệu chính là bột nếp và trứng gà.
NGUYÊN LIỆU:
- 450gr bột nếp
- 6-7 quả trứng gà (mình dùng cỡ M – medium)
- 50gr đường
- 1 thìa cafe muối
- 2 thìa ăn dầu ăn
- Đường để áo bánh
- dầu ăn để chiên bánh (mình dùng khoảng 700ml)
- nồi chiên bánh (mình chọn chảo wok)
- 1 thìa cafe tinh dầu vani (tùy chọn, mình thấy hàng bán sẵn có loại cho vani)
CÁCH LÀM:
- Trứng gà cho vào bát đánh tan. Cho bột cùng đường, muối vào âu trộn đều rồi đổ từ từ trứng đã đánh vào âu (không đổ hết tránh bị nhão bột). Cho 2 thìa dầu ăn và 1 thìa cafe tinh dầu vani (tùy chọn) vào bột rồi dùng tay nhào đều. Nếu bột khô thì cho tiếp trứng. Nếu nhà bạn hết trứng có thể thay bằng chút nước, nếu hết bột nếp có thể cho 1 chút bột gạo vào thay.
- Sau khi nhào nặn đều (khoảng 10–15 phút), cục bột trở nên mịn màng vàng óng, dẻo dẻo, không bám dính vào tay khi véo bột 😀 vo tròn cục bột rồi thực hiện thao tác chia đôi cục bột 3 lần để được 8 cục bằng nhau. Lấy một cục đem ra nặn trước, số còn lại dùng khăn ẩm hoặc màng bọc thực phẩm phủ lên tránh khô bột sẽ làm nứt bột khi vo viên.
- Tiến hành đun nóng dầu ăn. Chọn nồi nhỏ thì tiết kiệm được dầu ăn nhưng phải chiên nhiều mẻ. Mình chọn chảo wok đáy nhỏ miệng to vừa dễ chiên vừa tiết kiệm dầu. Đun nóng dầu ở lửa vừa (bếp 10 nấc thì mình xài nấc 5-6), để dầu nóng từ từ. Nếu đun dầu ở lửa to thì kể cả sau đó có hạ nhỏ lửa thì bánh vẫn dễ bị nứt vì dầu chưa hạ nhiệt kịp.
- Trong khi đợi dầu nóng (khoảng 10-15 phút) thì vo viên. Lăn dài cục bột thành que đũa rồi dùng dao cắt bột cỡ hạt ngô (nếu muốn bánh hạt nhãn to bằng đúng hạt nhãn), cắt bột cỡ hạt nhãn lồng (nếu muốn bánh hạt nhãn to bằng quả nhãn) :)) Dùng lòng bàn tay vo đều nhẹ nhàng thì hạt sẽ tròn, dùng má bàn tay dễ thành hình bầu dục lắm. Vo xong xếp vào khay hoặc đĩa, nếu chưa chiên vội thì phủ màng bọc thực phẩm lên trên. Nhà đông người nặn giùm nên hạt cà nhà mình không được đồng đều lắm hihi, mồm to ăn hạt to cho bõ
- Dầu nóng, thử bằng cách nhúng đầu đũa nếu thấy bọt sủi nhẹ (không sủi quá) thì thả viên bột vào. Dùng muôi hoặc thìa gỗ dẹt đầu nhẹ nhàng đảo từ trên xuống dưới liên tục vì khi bánh nổi lên trên nó không ngập dầu nữa. Chịu khó chăm đảo một chút nhé, nhất là khi bánh đang trong quá trình nở.
- Khi vỏ ngoài của hạt nhãn đã căng cứng thì các bạn có thể tăng lửa lên 1 chút. Tiếp tục đảo cho hạt được ngập đều trong dầu. Thử bánh bằng cách cắn thử một viên nếu bên trong khô hẳn hoàn toàn, không còn chỗ nào ướt mềm thì hạ lửa về mức trung bình, vớt bánh ra rổ có lót giấy thấm, để ráo hoàn toàn. Không cố chiên thêm vì bánh sẽ bị cứng quá. Lâu lâu xóc rổ một chút nhé. Sau đó cho mẻ mới vào.
- Với những người kiêng ngọt thì để vậy ăn, bánh có vị ngọt nhạt nhạt như bánh mỳ bùi bùi rất dễ ăn. Phần áo đường: Đường (ít nhiều tùy sở thích) cho vào chảo đun chảy, dùng đũa quấy cho đường tan đều tránh đường vón cục. Khi đường tan hết và đang có màu trắng đục thì tắt bếp, thả bánh đã chiên vào, dùng muôi bẹt (kiểu muôi cơm) đảo thật nhanh tay cho đến khi các hạt nhãn tơi ra và đường khô hẳn thì thôi. Lúc này ta có lớp áo đường khá đẹp mắt
- Đợi bánh cà nguội hẳn rồi cho vào hộp đậy kín lại (không nên cho vào khi đang nóng tránh có hơi nước). Bánh để được vài tuần và vẫn giòn
Thành phẩm là những hạt cà ăn giòn như bim bim, bên trong xốp đều, thơm bùi mùi trứng gà, ngọt vừa miệng. Có thể đóng túi đem đến chỗ làm ăn nhâm nhi hay mang đi đường ăn tạm chống đói.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ nhé. Đừng quên ủng hộ blog của mình bằng cách đăng ký theo dõi qua Email hoặc theo dõi qua trang Facebook Mykitchies – Bếp Á Âu nhé. Cám ơn các bạn nhiều :X
nhà mình làm còn cho thêm gấc vào bột nữa ^^ bánh lên màu vàng cam ^^ có điều k biết có để được lâu không thôi
Bánh mình để bên này nơi mát mẻ được 2-3 tuần vẫn bình thường ạ. Nhưng nên ăn sớm để vị còn thơm ngon 😁
Chị ơi chị quê ở đâu vậy ạ? Em hỏi vì món bánh cà là món dân dã ở quê em mỗi dịp tết. Thấy nó trên blog chị thấy bất ngờ quá
Hihi chị quê Nghệ An em ơi. Chị ở Vinh. Tết năm nào mự vs o cũng làm hộp cà nhâm nhi