|

Gà om Thiệu Hưng Kỷ Tử – Braised Shaoxing chicken with Goji berries

Lại đá sang ẩm thực Trung Quốc nè. Hôm đấy mình làm món thịt gà om rượu Thiệu Hưng Kỷ Tử đãi bạn đến nhà chơi. Đây là một món rất thích hợp ăn vào mùa lạnh, nhưng mình thì không nể nang mùa nào hết, nấu luôn vào mùa hè cho máu, vì thực ra món này ăn 4 mùa đều ngon hết. Với mùi rượu và gừng phi thơm nức mũi, miếng thịt mềm mềm đậm đà kèm với hạt kỷ tử ngọt ngọt, đây là một món lý tưởng ăn kèm cơm nóng nè.

Đả qua chút về một số nguyên liệu trong công thức này cho bạn nào còn bỡ ngỡ nhé.

Rượu Thiệu Hưng là rượu gạo của Tàu, có tên phiên âm là Shaoxing. Có 2 loại rượu Thiệu Hưng là 1 rượu để uống và một loại đã pha mặn dùng để nấu. Đương nhiên rượu nào uống được thì cũng có thể nấu được rồi. Rượu Thiệu Hưng uống qua có vị thơm như rượu nếp cái hay rượu Sake, tuy nhiên nó thơm hơn 2 loại này và không ngọt như rượu nếp, nói đúng hơn là gần giống vị Sake loại chát (vì không ngọt). Thành phần cồn khoảng 14%. Khi ra chợ mua các bạn sẽ thấy có chai ghi chữ Tàu bao bì màu đỏ đậm hoặc đỏ tươi, màu chất lỏng hơi nâu nhạt hơn nước mắm nhưng giá thành đắt hơn chai nước mắm 1 chút thì nó chính là Thiệu Hưng (nếu các bạn không thấy tên phiên âm trên vỏ chai). Một số chai đề chữ Shaoxing for cooking tức là đã pha muối.

Trong bài này để tạo nên mùi vị đặc trưng và truyền thống nhất các bạn nên sử dụng rượu Thiệu Hưng do rượu có mùi thơm đặc trưng và vô cùng quyến rũ mà không rượu nào có thể thay thế chuẩn xác được, món ăn sẽ trở nên thơm nức mũi khi kết hợp rượu cùng với xì dầu và hành gừng phi thơm 🙂 chưa kể mặn ngọt hài hòa đậm đà ngấm vào từng miếng thịt nữa. Tuy nhiên mình cũng đã bổ sung thêm nguyên liệu thay thế ở phần ghi chú bên dưới, thành phẩm tuy không thể đạt 100% chuẩn nhưng cũng hòm hòm 70-80% rồi 🙂

Về xì dầu (nước tương): Mình thường dùng xì dầu hãng Lee Kum Kee để nấu, hãng này uy tín và có hàng xuất khẩu khắp mọi nơi, có dạo thấy nó xuất hiện ở Việt Nam với bao bì dịch bằng tiếng Việt.

Với xì dầu thông thường (light soy sauce), nếu các bạn không có thì có thể thay bằng xì dầu Hàn (mình dùng hãng Sempio Jin S ). Xì dầu tàu có tỉ lệ muối mặn gấp khoảng 3 lần xì dầu Hàn. Xì dầu Tàu muốn làm nước chấm sủi cảo há cảo thường phải pha loãng ra còn xì dầu Hàn thì có thể chấm trực tiếp sushi, rau củ luộc rất vừa miệng. Riêng xì dầu Maggi thì cá nhân mình không thích dùng lắm, với lại chủ yếu Maggi thường để chấm chứ không để nấu. Ngoài 2 loại mình kể còn có thể dùng xì dầu Kikkoman của Nhật, vì giá thành loại này đắt hơn hẳn so với 2 loại trên nên mình không chọn mua (sinh viên còn nghèo), bởi vậy không thể đưa ra nhận xét chính xác được.

Với hắc xì dầu (dark soy sauce): là xì dầu có vị hơi hơi lợ, màu đen sì như mực, chuyên dùng để tạo màu là chính, trong một số món nếu cho nhiều thì ngoài tạo màu còn làm cho món ăn có vị dịu và hài hòa hơn.

Nếu bạn đang sử dụng các loại xì dầu ( nước tương) khác thì nhớ căn chỉnh sao cho phù hợp với khẩu vị của bạn là được.

Kỷ Tử: tiếng anh là Goji berry, wolfberry (tiếng Đức : Goji Beeren), cái này chắc mọi người biết nhiều về công dụng cũng như hình ảnh, mình không nhắc lại nữa nhé, các bạn có thể tra google về lợi ích của Kỷ Tử. Kỷ Tử có bán trong quầy châu Á và một số siêu thị tây (đặc biệt là các cửa hàng có nhiều sản phẩm Bio). Kỷ Tử cho vào nồi thịt gà tạo mùi thơm và vị ngọt nhè nhẹ đại khái ai thích ăn ô mai chắc cạp cạp tí cũng vui miệng, hơi giống nho khô ấy mà 🙂

Sau khi món ăn nấu xong chúng ta sẽ rưới thêm 1 xíu rượu lên nữa để cho món ăn dậy mùi, đảm bảo ngây ngất ngất ngây luôn 🙂

20180708_135807250799855.jpg
Từ trái sang: dầu hào, rượu Thiệu Hưng, hắc xì dầu, dầu vừng
kỷ tử đường phèn
Kỷ tử và đường phèn

NGUYÊN LIỆU: Tbsp = thìa ăn, thìa canh, tsp= thìa cafe

  • khoảng 700gr đùi gà (có thể chọn bộ phận khác cũng được, không nên dùng ức sẽ bị khô)
  • 5-6 tép tỏi tây (tỏi ta khoảng 8-10 tép), thái lát
  • 6-8 lát gừng cỡ đồng xu
  • 3 thìa ăn rượu Thiệu Hưng
  • khoảng 50ml nước
  • 1 tbsp đường phèn (nếu không có thì tạm thay bằng 1/2 tbsp đường trắng, nhưng đường phèn sẽ cho vị ngọt thanh dễ chịu hơn)
  • 1 cây hành, thái khúc
  • 2-3 quả ớt cay khô xé nhỏ (tùy chọn)
  • 2 tbsp hạt Kỷ Tử
  • 2 tbsp dầu ăn

Phần ướp thịt:

  • khoảng 3tbsp xì dầu Hàn Sempio (nếu dùng Lee Kum Kee chỉ khoảng 2 tbsp thôi nhé)
  • 1tsp hắc xì dầu (mình dùng hiệu Lee Kum Kee)
  • 1 tsp dầu hào
  • 2 tsp dầu mè (dầu vừng)

CÁCH LÀM:

  1. Thịt gà chặt miếng nhỏ vừa ăn. Ướp với gia vị ướp ở trên khoảng 30 phút. Hạt Kỷ Tử rửa sạch rồi ngâm trong nước khoảng 5 phút. Nếu ngâm lâu hơn thì hạt sẽ mềm oặt, tùy sở thích mềm hay cứng mà các bạn có thể cho ngâm thêm 1 chút.
  2. Cho dầu ăn vào chảo. Phi gừng và tỏi cho đến khi chúng ngả màu vàng nâu, sau đó cho thịt gà vào đảo thật săn. Cho nước vào chảo (mình cho nước tráng luôn cái tô ướp thịt gà trước). Cho đường phèn, ớt quả khô và 2 thìa rượu Thiệu Hưng vào trước. Đậy vung chảo và om ở lửa nhỏ vừa khoảng 15-20 phút, lâu lâu đảo 1 chút.2018-07-08-15-53-215750524.jpg
  3. Khi nước trong chảo giảm khoảng 1 nửa thì các bạn có thể nêm nếm lại nếu thấy chưa vừa miệng. Khi nước sánh lại (không để khô cạn) thì cho hành lá và hạt Kỷ Tử vào đảo 1 lượt khoảng 30s rồi tắt bếp. Vẩy lên 1 thìa ăn rượu Thiệu Hưng rồi thưởng thức cùng cơm nóng 🙂

2018-07-08-15-52-521534296476.jpg

Ghi chú:

  • Nếu không có rượu Thiệu Hưng các bạn có thể tạm thay bằng rượu nếp cái Việt Nam hoăc Sake (chát), hoặc là mua rượu ngô ở siêu thị. Tuy nhiên có thể sẽ không dậy mùi thơm bằng như rượu Thiệu Hưng. Vì rượu khi nấu thì cồn sẽ bị bay hơi để lại vị ngọt nhẹ và mùi thơm của rượu. Nên nếu gia đình có trẻ nhỏ có thể an toàn sử dụng mà không sợ bị “say”, hoặc là bỏ qua nếu bạn không thích có mùi rượu
  • Nếu không có hắc xì dầu các bạn có thể bỏ qua, hắc xì dầu chủ yếu chuyên tạo màu, làm cho món ăn có màu nâu sẫm đẹp mắt. Vì chỉ yêu cầu 1 lượng rất nhỏ hắc xì dầu nên sự khác biệt về vị ở đây sẽ không đáng kể, tuy nhiên màu sắc sẽ nhạt đi nhiều
  • Tùy nhiệt độ bếp mà căn chỉnh cho phù hợp, miễn sao thịt gà ngấm là được
  • Không nên nấu Kỷ tử kỹ quá, chỉ cần cho vào chảo đảo tầm 30s rồi tắt bếp, kỷ tử sẽ chín dưới nhiệt độ còn nóng của chảo
  • Không nên cho nhiều nước vào để kho thịt vì thịt gà sẽ ra thêm nước
  • Nếu không có 2 loại xì dầu như mình liệt kê ở trên thì các bạn nên tự căn chỉnh sao cho vừa miệng, nêm xì dầu cũng như nêm nước mắm vậy 🙂

Đơn giản vậy thôi nhưng thành phẩm rất ngon miệng lắm nha. Chúc các bạn có thêm bữa tiệc thịt gà vui vẻ =))) và đừng quên ủng hộ mình bằng cách like trang Facebook mykitchies-Bếp á âu nhé. Yêu thương các bạn nhiều :3

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *