|

Gỏi cuốn kèm nước chấm tương đen

Năm 2021 đã đến, đầu tiên mình xin chúc các bạn độc giả theo dõi trang Mykitchies một năm nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, công việc luôn suôn sẻ và gặp nhiều may mắn. Năm nay mình được đón giao thừa và Noel ở nhà mới (mình mới chuyển chỗ ở tháng 12 vừa rồi). Năm nay nhà nước cấm tụ tập trên 5 người và giờ giới nghiêm từ 21h đến 5h sáng ngày hôm sau, và cũng không cho dân bắn pháo nên cũng hơi buồn tẹo (thực ra là buồn vãi nồi). Chiều chủ nhật âm u, ở nhà u uất vì chả biết làm gì mà cũng chả muốn làm gì nên kiếm cái món gì trong đống ảnh đồ ăn hay chụp để viết bài.

Bài mở màn năm mới thực ra không có gì đặc biệt, chủ yếu trong bài viết mình muốn chia sẻ một vài ý tưởng hay ho mà mình đã học lỏm được về món gỏi cuốn mà chắc ai đó sẽ cần, đặc biệt dành cho những bạn du học xa nhà có điều kiện hơi thiếu thốn về nguyên liệu. Gỏi cuốn là món ăn khá healthy vì nhiều rau, ăn thanh, lại nhẹ bụng, dễ chuẩn bị và nguyên liệu bổ rẻ dễ tìm kiếm, chủ yếu là vét tủ có gì ăn nấy. Mình từng hướng dẫn cho 1 bạn du học sinh mới sang làm món này để mời bạn bè nước ngoài của bạn ấy, và ai cũng hạnh phúc với thành phẩm 😀

Ngoài nước chấm cơ bản là nước mắm tỏi ớt chua ngọt, bên mình còn có nước chấm tương đen kết hợp với bơ đậu phộng (peanut butter) vì tìm tương hột như ở nhà hơi khó khăn và tương này rất phù hợp với người nước ngoài ngại mùi nước mắm hoặc ăn chay 😀 Công thức nước chấm có vô vàn, dưới đây là 1 kiểu mình hay làm.

Nguyên liệu mình không có số lượng cụ thể, các bạn làm theo ý thích, chủ yếu mình tập trung vào ý tưởng các loại nguyên liệu và cách chế biến thôi nhé.

NGUYÊN LIỆU:

  • Rau củ cần có (không bắt buộc có hết): cà rốt, dưa chuột, xà lách, ớt chuông
  • Các loại rau sống cơ bản: rau mùi, bạc hà (bên tây dễ kiếm nhất và cũng là lựa chọn khá hợp), húng quế, tía tô, giá…
  • Bún (mình dùng bún khô loại size M)
  • dứa, xoài hoặc táo xanh (tạo vị chua thanh đảm bảo kích thích ngon miệng hơn)
  • trứng (3 người ăn cần khoảng 6-7 quả)
  • thịt (thịt gà, thịt bò hoặc thịt lợn – mình sẽ nói rõ hơn ở dưới)
  • đậu phụ (cho người ăn chay hoặc cả 2)
  • bánh tráng (mình dùng bánh tráng hiệu 3 cây tre có trong hình)

Công thức nước chấm tương đen hoisin: (được 2/3 bát ăn cơm)

  • 1 thìa ăn bơ đậu phộng (peanut butter)
  • 5 thìa ăn tương đen hoisin (mình dùng hiệu Lee Kum Kee)
  • 1 thìa ăn dầu ăn
  • 0,5-1 thìa cafe đường(tùy chọn)
  • 3-4 giọt chanh (hoặc giấm)
  • 50-80ml nước
  • 1 nhúm nhỏ muối (cỡ 1/4 thìa cafe)
  • 1 thìa dầu hào (tùy chọn)
  • 1 thìa ăn tương ớt (hoặc ớt tươi nếu muốn ăn cay)
  • 1 thìa ăn lạc rang giã nhỏ (để rắc lên)

Lưu ý: Bơ đậu phộng các bạn có thể mua ở các siêu thị châu Á hoặc Âu (Á thì thơm và rẻ hơn). Tương Hoisin và bún khô cũng mua ở siêu thị châu Á.
Để sợi bún được ngon hơn, nên ngâm bún khoảng 4-5 tiếng cho bún mềm, lúc luộc nhanh chín, nước luộc không bị đục và bột làm dính bún ở đáy nồi, sợi bún ăn cũng ngon hơn nữa. Lúc luộc xong phải để ráo nước ít nhất 30 phút thì bún khô hẳn lại khá giống kết cấu bún tươi ở nhà.

CÁCH LÀM:

  1. Thịt lợn các bạn có thể chọn ba chỉ, nạc vai hoặc thịt mông tùy sở thích ăn mỡ hay nạc. Lúc luộc cho vài lát gừng và 1 cây hành lá thái khúc để khử mùi hôi. Cắt khúc mỏng cho thịt nhanh chín, kiểm tra thịt chín hay chưa bằng cách chọc que đũa vào thịt, nếu không thấy có nước hồng chảy ra tức là chín rồi đó.
    Với thịt bò: Thịt bò thái mỏng, ướp với chút dầu hào, sả (tùy chọn), nước tương, dầu mè (nếu không dùng sả), hạt nêm, chút đường, tiêu bột khoảng 15 20 phút. Sau đó xào lăn qua.
    Với tôm: Tôm luộc sơ qua, không luộc kỹ quá làm tôm teo quắt lại. Ở bên này có tôm chín sẵn bán ở siêu thị (cocktail shrimp) thì về chỉ cần chần qua chút nước sôi nóng để đảm bảo an toàn. Với tôm to sau khi luộc có thể dùng dao bổ đôi theo chiều dọc để khi cuốn cho đẹp, rồi lột bỏ đường chỉ đen ở sống lưng.
    Với thịt gà: Ức gà cắt lát mỏng to bản theo chiều dọc, ướp với chút nghệ tạo màu, sả, nước mắm hoặc nước tương, tiêu bột. Sau đó rán áp chảo qua và thái lát mỏng dài theo chiều dọc để tiện cuốn.
    Đậu phụ: mình hay chia 1 bìa đậu 450gr theo chiều dài thành 5-6 bản mỏng rồi rán sơ qua, có thể dùng nồi chiên không dầu. Sau đó dùng dao thái sợi hoặc chia đôi từng lát theo chiều dọc.
  2. Dưa chuột, ớt chuông và xoài xắt từng thanh dài, riêng cà rốt bào sợi. Xà lách xắt nhỏ. Dứa hoặc táo cũng thái theo thanh dài cho dễ cuốn.
  3. Trứng cho vào tô dùng nĩa đánh thật nhuyễn tới khi không còn thấy lòng trắng lợn cợn. Dùng một chiếc chảo không dính cỡ vừa, cho 1 xíu ít dầu ăn, đợi nóng chảo thì múc từng muôi trứng đổ vào chảo láng, láng càng mỏng thì thái sợi càng đẹp, tuy nhiên khoản này không cần thiết. Mình để lửa vừa tới khi mặt trên se chín thì đổ ra cái đĩa phẳng to hoặc mặt thớt. Tương tự với mẻ tiếp theo rồi đổ từng lớp trứng rán xếp chồng lên nhau. Rồi cắt đôi xập trứng và thái sợi nhỏ.
  4. Bún (dành cho ai dùng gói bún khô): Bún nên ngâm qua với nước ấm tầm ít nhất 3 tiếng, có thể ngâm qua đêm nếu thích, sợi bún mềm thì luộc nhanh, ít bị đục và dính đáy nồi, bún cũng không bị nhớt. Sau khi luộc xong đổ ra rổ rồi xối nước lạnh vào cho kỹ. Để ráo tầm 30 phút-1 tiếng cho bún khô thì thành phẩm không khác bún tươi là mấy.
  5. Nước sốt: Cho các nguyên liệu vào (trừ đậu phộng rang) nồi con, đánh cho bơ đậu phộng tan bớt rồi cho lên chảo lửa nhỏ vừa, quấy đều tới khi thấy sốt nóng có bong bóng nhẹ nổi lên thì tắt bếp. Rắc chút đậu phộng rang lên.
  6. Dành cho người lười: xếp hết tất cả nguyên liệu gỏi cuốn vào mẹt tre có lót giấy bạc ở dưới hoặc cho lên khay, lúc ăn hay lúc rửa cũng rất gọn gàng.
  7. Nếu các bạn muốn làm để mang đi: cuốn xong nhớ bọc màng thực phẩm từng cái để gỏi không dính nhau và không bị khô. Nếu để trữ tủ lạnh qua đêm thì ăn cũng được nhưng bún bị sống lại bớt ăn sẽ sượng không còn ngon nữa.

Chúc các bạn có bữa gỏi cuốn ngon miệng và vui vẻ 😀 Chúc mừng năm mới!!!!!

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *